Theo tường thuật của các báo mạng, so với các năm trước, điểm khác khác biệt nhất của chương trình Táo Quân năm nay chính là sự "phân thân" của diễn viên Quốc Khánh trong vai Ngọc Hoàng thật và người dân (Ngọc Hoàng giả), cùng với đó là việc NSƯT Chí Trung không vào vai Táo Giao Thông như năm trước, thay vào đó anh chuyển sang đóng Táo Điện Lực. Còn Táo Giáo dục và Táo Văn hóa chỉ xuất hiện "cho có" vào cuối màn, không để lại ấn tượng nhiều.
Vẫn bộ ba quen thuộc, nhưng đã có sự thay đổi về cục diện (Ảnh: Dân trí)
Theo tường thuật của báo Thanh Niên, trong Táo quân 2014, Ngọc Hoàng bị ngộ độc thực phẩm do ăn quà vặt nên không thể có mặt tại chầu, Nam Tào và Bắc Đẩu liền thuê anh trông xe ở hạ giới đóng thế.
Để hoàn tất vai diễn Ngọc Hoàng giả cho anh trông xe này, chính là đại diện của người dân, Nam Tào và Bắc Đẩu đã nghĩ đủ cách ra hiệu cho người dân (Ngọc Hoàng giả) đối đáp lại các Táo lên chầu. Bởi vậy, khác với các năm trước, những tình huống bi hài cười ra nước mắt không chỉ diễn ra từ các Táo mà còn xuất phát từ sự rập khuôn cứng nhắc và ngây ngô của nhân vật người dân.
Tận dụng vai diễn và tình huống bi hài này, nhóm biên kịch VTV đã khéo léo lồng vấn đề thời sự nóng hổi diễn ra năm qua là bảo mẫu bạo hành trẻ em vào cảnh người dân bị Nam Tào và Bắc Đẩu đánh vào mông, dọa bắt ăn lại thức ăn nôn ra và nhúng đầu vào thùng nước khi không nghe lời. Thậm chí Nam Tào (diễn viên Xuân Bắc) còn đeo kính giống cô bảo mẫu bạo hành trẻ em để dọa người dân.
Năm nay vào vai diễn mới là Táo Điện Lực, Chí Trung đã chứng tỏ khả năng "diễn" tỉnh bơ, chọc cười khán giả bẩm sinh của anh. Một vai diễn mới khác là Tự Long trong vai Táo Giao Thông. Để thoát khỏi cái bóng của đàn anh Chí Trung trong vai này, các đạo diễn đã phải điều chỉnh và khai thác tối đa khả năng "lộng ca" của Tự Long, với các làn điệu Bắc - Trung – Nam và cả… Opera! Tuy vậy, Táo Giao Thông năm nay khá thiếu đất diễn khi câu chuyện chỉ xoay quanh chuyện xây cầu vượt.
Cảnh Ngọc Hoàng giả bị nhúng nước vì không nghe lời, mô phỏng
cảnh bảo mẫu bạo hành trẻ em. (Ảnh: Dân trí)
Bên cạnh đó, Táo Kinh tế (diễn viên Quang Thắng) ăn mặc khá diêm dúa để chế nhạo vụ "trai đẹp bị trục xuất" Omar Borkan Al Gala và câu cửa miệng "muốn múa tiếp phải đưa thêm tiền" khiến khán giả nhớ đến việc Omar đòi thêm tiền mới diễn dưới mưa. "Trai đẹp" còn bị cô Đẩu chê vì xấu trai hơn trên Facebook, do chuyên "chụp ảnh bằng camera 360 độ".
Nhận xét về diễn viên Vân Dung năm nay vào vai Táo Y tế, phóng viên VnExpress cho rằng đây là vai diễn đáng xem trong Táo Quân 2014, vì điểm được khá nhiều điều nổi cộm của ngành Y trong năm qua như tiêm nhầm và ăn bớt vắc-xin, nhân bản giấy xét nghiệm, vụ bác sĩ Cát Tường, bác sĩ giả mạo người Trung Quốc hay sự khổ sở của người dân khi đi khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, có vẻ như vai Táo Y Tế còn hơi sa đà nhiều vào chuyện phong bì, vốn đã được khai thác nhiều trong những năm trước.
Lần đầu tiên người dân dám "trảm tướng"
Trong vai diễn kép của Quốc Khánh, ở cuối chương trình, người dân (đóng giả Ngọc Hoàng) đã dũng cảm nói lên tiếng nói của nhân dân, bức xúc trước các vấn nạn đang xảy ra trong xã hội. Thậm chí Ngọc Hoàng giả còn quyết định "trảm tướng", khiến Ngọc Hoàng thật cũng phải khâm phục.
Theo Dân Trí, từ một người dân (làm nghề trông xe dưới hạ giới) nghèo khổ và nhút nhát, bị "lôi cổ" lên thiên đình một cách bất đắc dĩ để vào vai Ngọc Hoàng giả, giờ đây anh ta đã trở thành người dân phẫn nộ tột cùng khi chứng kiến những trò chối tội dối trá và quanh co của Táo Điện lực vì giải thích loanh quanh vụ sai phạm khi xả lũ và tăng giá điện vô tội vạ. Đây cũng là nhân vật "chính diện", đại diện cho người dân nói chung, những người đã phải "chứng kiến tất cả".
Cảnh "người dân" (Ngọc Hoàng giả) bức xúc ném dép vào
Táo Điện Lực (Ảnh: Dân trí)
Các năm trước, vai diễn Ngọc Hoàng của Quốc Khánh gần như chỉ làm nền cho các vai diễn của các Táo, thì năm nay Quốc Khánh lại trở thành vai diễn kép đóng vai trò trung tâm, thỏa sức thể hiện. Khi thì anh vào vai một Ngọc Hoàng thật điềm tĩnh, kín kẽ, khi lại vào vai một nhân vật anh trông xe giả Ngọc Hoàng, đại diện cho người dân đầy ngây ngô và ứng xử quê mùa ở chốn thiên đình, nhưng cũng trực tính.
Bộ ba diễn viên Quốc Khánh, Công Lý và Xuân Bắc được nhận xét kết hợp khá ăn ý nhưng do cảnh Nam Tào và Bắc Đẩu "dạy dỗ" Ngọc Hoàng giả ban đầu kéo hơi dài, khiến phần mở đầu Táo Quân năm nay giảm đi sự hấp dẫn. Rất có thể, khi lên sóng những hạt "sạn" này sẽ được VTV chỉnh sửa, biên tập chỉn chu hơn.
Táo Quân 2014 chiếu đêm giao thừa sẽ bị kiểm duyệt, VTV không bán đĩa
Ngoài những thay đổi về kịch bản và vai diễn, theo thông báo từ VTV thì năm nay nhà đài cũng có chủ trương không bán đĩa Táo Quân, dù các diễn viên đã phải tổ chức tập luyện cho vai diễn cả tháng trời với số tiền cát-sê khiêm tốn. Bên cạnh đó, nội dung Táo Quân năm nay đã "được" cấp trên đề nghị kiểm tra và giám sát khá chặt chẽ.
Theo nguồn tin từ VnExpress, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Vương Duy Biên đã gửi công văn tới Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung chương trình Gặp nhau Cuối năm - Táo Quân 2014 với lý do: "một số động tác diễn xuất, lời thoại thô tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc" hoặc "chưa đúng luật". Hội đồng của Cục sẽ họp bàn xem xét đánh giá nội dung chương trình và có công văn góp ý với Đài Truyền hình Việt Nam nếu có "yếu tố thô tục" trên sân khấu.
Liệu Táo Quân năm nay có thực sự hấp dẫn sau khi "được kiểm duyệt" không thì chúng ta còn phải chờ tới đêm giao thừa, trong chương trình "Gặp nhau cuối năm". Nhưng có thể nói, dù còn nhiều điều chưa được đề cập hết trong các chương trình Táo Quân hằng năm, nhưng đây vẫn là một món ăn tinh thần vẫn đang được hâm nóng trong suốt 10 năm qua, một chương trình khiến chúng ta có dịp nhìn lại những tồn đọng "khó nói" của các Bộ ngành và xã hội trong một năm qua trong mắt "người dân".