Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Trong khi đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng "đòi hỏi của Đà Nẵng là phi thực tế”, thì đại diện địa phương này cho rằng, sẽ kiện ra toà nếu Bộ không sửa đổi một bản dự thảo.
Ngọn nguồn của câu chuyện bắt đầu từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng dự thảo quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện Đăk Mi 4 và xả lũ sông Vu Gia, được cho là gây ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng đến vùng hạ du.
Cụ thể, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, sở dĩ Đà Nẵng phản đối Bộ Tài nguyên và Môi trường là do dự thảo quy trình của Bộ đã lấy mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) cao 2,53 m để làm cơ sở cho vận hành nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4. Điều này đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Bởi lẽ, trị số 2,53 m là giá trị của mực nước trung bình tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm trong tài liệu từ năm 1976 đến nay.

Mặt khác, theo tính toán của cơ quan chức năng Đà Nẵng, thiệt hại của hạ du sông Vu Gia lớn hơn 5 đến 10 lần lợi ích kinh tế mà thủy điện Đăk Mi 4 mang lại.

Chẳng hạn, nếu 10.000 ha đất trồng lúa ở hạ du sông Vu Gia bị thiệt hại khoảng 30% thì người dân sẽ mất đi số tiền 200 tỷ đồng, chưa kể hoa màu, dịch bệnh phát sinh do thiếu và ô nhiễm nguồn nước. Nhà máy nước Cầu Đỏ, cung cấp nước cho người dân toàn bộ khu vực này, đang phải bỏ thêm chi phí xử lý ô nhiễm, bơm thêm nước cách nhà máy 10 km, riêng năm 2013 tiêu tốn 13 tỷ đồng, người dân phải dùng nước sinh hoạt giá cao. 
Cũng theo ông Thắng, với việc đẩy hạ du vào thế khó khăn trên, dự thảo quy trình trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước; vi phạm nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Do đó, nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không sửa dự thảo theo đề nghị của Đà Nẵng, thì địa phương này cho biết sẽ kiện Bộ ra tòa.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi nhận được ý kiến phản hồi của Đà Nẵng, mới đây Cục Quản lý tài nguyên nước thừa uỷ quyền của Bộ trưởng đã có công văn trả lời. 

Theo đó, cơ quan này cho rằng, việc xả nước sông Vu Gia trong dự thảo quy trình vận hành liên hồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đã tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.
 
“Các vấn đề về xả nước của thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”, công văn của Bộ nêu.

Với viện dẫn trên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đi đến kết luận "đòi hỏi của Đà Nẵng là phi thực tế".
Ngược lại, theo đại diện UBND thành phố Đà Nẵng, trong trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn giữ nguyên quan điểm như dự thảo để trình Thủ tướng thông qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố sẽ khởi kiện Bộ về việc lập quy trình vận hành gây thiệt hại về kinh tế, dân sinh theo điều 60 Luật Tài nguyên nước; kiện và yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 phải đền bù thiệt hại vì đã đặt lợi ích thuỷ điện lên trên lợi ích của 1,7 triệu người dân Đà Nẵng.

Đầu năm 2013, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa từng có phản ánh với đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường trước việc nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 không chịu xả nước để cứu vùng hạ du Đà Nẵng và Quảng Nam. Tại thời điểm đó, đại diện thành phố Đà Nẵng cũng nhấn mạnh sẽ đưa vấn đề này ra nghị trường Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét