Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Đời có chi đâu mà buồn!

Hôm qua, bạn hỏi: “Sao lúc nào em cũng vui hết vậy, ngày nào cũng những dòng trạng thái vui tươi yêu đời trên Facebook; lần nào gặp cũng tràn trề năng lượng...”.

Ta bật cười giòn: “Thì, đời có gì đáng ghét đâu mà không thương cơ chứ”.Đời đã cho ta nhiều thứ hơn người. Ba mẹ cho ta một hình hài nguyên vẹn. Dù chẳng xinh đẹp rạng ngời đủ thành hoa khôi, hoa hậu, không chân dài, không mũi cao, nhưng ta vẫn thấy đẹp, thế là đã vui nhiều rồi.
Ba mẹ cho ta được học hành, chẳng đỗ đạt xênh xang nghè tổng, nhưng cũng đủ để nói tròn câu, diễn đạt tròn lời. Ba mẹ cho ta lớn lên trong một gia đình bình an, không giàu có để mọi người ngưỡng mộ, nhưng đủ cho ta những bữa cơm ăm ắp tiếng cười; đủ cho ta một giấc ngủ đầy, không mộng mị; đủ cho ta một chốn quay về an nhiên khi chồn chân, mỏi gối. Ba mẹ cho ta điểm tựa trước những vấp ngã, trước những thị phi, trước những áp lực...
Vậy, đời có chi đâu mà buồn.
Bạn thông báo vừa xong thủ tục ly hôn. Ly hôn ư? Ta không xa lạ với hoàn cảnh của bạn. Ta nghĩ, khi lòng đã hết quyến luyến nhau, đã chẳng còn muốn níu giữ nhau thì tốt nhất là ngừng lại. Để còn nhìn nhau tôn trọng. Để còn quý mến nhau. Để còn cùng nhau nuôi dạy những đứa trẻ nên người. Và cho dù thế nào, thì cũng không thể phủ nhận rằng, giữa chúng ta còn có những đứa trẻ. Ta sẽ ngồi lại cùng những đứa trẻ, nói thật chậm và bình an những điều sắp sửa xảy ra trong đời chúng.
Chắc chắn sẽ xáo trộn nhiều. Nhưng, đâu sẽ vào đấy cả thôi. Ly hôn chưa bao giờ là dấu chấm hết cho một mối quan hệ. Không còn những ràng buộc vợ chồng, tự dưng thấy “bạn ấy” cũng có những điểm hay ho. Không còn những ràng buộc áo cơm, bỗng thấy “bạn ấy” cũng “đàn ông” ra phết. Ly hôn, chưa bao giờ là kết thúc của cuộc đời, chẳng qua ta ngừng lại để lật đời mình sang trang mới. Cũng vui. Cũng buồn. Cũng nhiều màu sắc. Không còn cằn nhằn, cãi vã. Không còn những đêm chờ đợi đến mỏi mòn. Không còn những lần buông vào nhau những câu nói có tính sát thương. Không còn những lần mấy mẹ con ôm nhau ngồi khóc. Rồi ta sẽ học yêu thương, nâng niu lại chính mình, tô chút son, giặm chút má hồng, tập nhìn cuộc sống trôi dưới lăng kính hồng.
Làm một con người mãi than thân trách phận rất chán. Vì ta sẽ mải dày vò ta, oán trách ông trời xa lắc nào đó, đứng trước những chia ly hay thất bại chỉ toàn thấy một màu xám xịt, nhìn đâu cũng thấy đau buồn.
Đời sống vốn dĩ rất thi vị, nhiều phấn khích. Ai rồi cũng có những lần thấy đời mình bỏ đi, thấy chẳng thiết tha gì cuộc sống này. Nhưng đó chẳng qua là suy nghĩ nhất thời. Ta phải sẵn sàng bước qua cảm giác ấy thật nhanh, tìm lại cho mình niềm vui sống. Ngoài kia cuộc sống ồn ã xiết bao. Ốm đau nào rồi cũng phải hết, chẳng có gì mà lo lắng cả. Phản bội kia đâu có nghĩa là chẳng bao giờ tìm thấy yêu thương. Ganh ghét đó đâu phải là suốt đời này không tìm ra người tốt. Có đi đến tận cùng khổ đau mới thấy nắng ấm kia, trời xanh kia, biển rộng kia đáng quý biết nhường nào.
Cuộc đời luôn chuyển động, ta chẳng thể nào ngồi mãi nơi này để tiếc thương cho những gì đã qua. Cái gì qua được hãy cho qua, để ta luôn dịch chuyển theo cuộc sống này mà tận hưởng đời dưới góc độ đẹp nhất, có thể.
Cô bạn trẻ vừa viết lời chia tay bạn bè để tìm đến cửa chùa. Cô ấy bảo không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời vất vả này nữa. Sau những hẹn hò nhạt nhẽo mang tên tình yêu, rồi la cà phố xá, thỉnh thoảng đọc dăm cuốn sách mới ra, một năm đôi lần đi du lịch đây đó, vài ba ngày viết những dòng cảm thán, cuộc sống đầy công thức và chán nản (mà quả thật, cuộc sống trẻ bây giờ là như thế). Vậy nên, cô quyết định xa đời, tìm một nơi thật vắng, thật xa để quên hết.
Ta, không phản đối những suy nghĩ và hành động mang tính tâm linh này, nhưng, ta không đồng tình với quan điểm lánh đời. Cô bạn ấy quên mất rằng, mình từng được học hành để phục vụ cuộc sống này. Những gì cô ấy tạo ra được, đang góp một ít phần cho xã hội hoàn thiện hơn, đang giúp ba mẹ cô ấy có những bữa cơm đủ chất hơn ở làng quê hẻo lánh. Và, còn rất nhiều nơi đang cần cô ấy đến, phục vụ và tận hiến. Đời, có chi đâu mà phải trốn. Đời vui mà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét