Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

KHI PHỤ NỮ LẤN SÂN LÀM CHỒNG!

Anh Huy hùng hổ dắt xe máy ra khỏi nhà, ngoái lại quát vợ: “Cô muốn làm chồng thì cô đi lấy người khác! Tôi không thể làm theo mọi quyết định của cô được nữa”. Nói rồi, anh tự ngạc nhiên với chính mình, vì đã lâu rồi anh mới dám thể hiện “đặc trưng phái mạnh” với vợ. 

Được đằng chân…

Anh vốn không phải là người đàn ông yếu đuối và nhút nhát. Anh là con cả trong một gia đình đông anh em, từng chỉ huy một “bầy em” và chúng nghe lời răm rắp. Vậy mà với cái ý nghĩ, phải kiếm “dâu trưởng” đảm đang, vợ anh đã trở thành người gánh vác và có quyền tối cao trong nhà. Vợ anh giỏi giang và đa đoan. Người ngoài và cả bố mẹ, anh chị em anh đều nói số anh sướng khi có được người vợ như thế. Chỉ có anh mới biết mình đang mất dần “nam tính”.

Chuyện con cái học hành, vợ quyết định. Chuyện mua đất xây nhà, vợ tự làm. Công việc của anh, vợ sắp xếp. Anh chơi với ai, mặc đồ gì, vợ quyết. Thậm chí gần đây, trước khi “đề xuất ý kiến” trình vợ, anh phải uốn lưỡi mấy lần. Lần nào anh cũng bị vợ “vặc lại”: “Anh thì biết gì mà phát với chả biểu”. Tệ hơn là mỗi lần mệt mỏi, căng thẳng chuyện gì, vợ anh lại lôi anh ra bóng gió với con cái: “Tôi mà chết, cả nhà này đi ăn mày”, rồi than thân trách phận: “Sao đời tôi khổ thế này, kiếp sau làm đàn ông cho nó sướng thân!”. 

Lúc đầu anh còn thấy thương vợ, ghi nhận những công lao của vợ, và đôi lúc thấy bùi ngùi cho “số vợ vất vả”. Nhưng nghe mãi, chịu nhịn mãi, cuối cùng anh thấy mình còn khổ hơn vợ. Vợ anh còn có người sợ, nhất là mấy đứa con; chứ anh đâu có ai cần và đâu có ai sợ. Anh thấy thất vọng với chính mình và bắt đầu tìm rượu để quên đi cái cảm giác "đời thừa" của mình. Rượu làm cho anh được an ủi, được bất cần và quan trọng là được yên thân hơn. Vợ chỉ mắng anh vì tội uống rượu chứ không còn xỉa xói vì xem anh là vô dụng - cái tội lớn nhất của người đàn ông, nhất là trong vai trò làm chồng.

Chị Hồng (Q.Bình Thạnh) hối hận vì đã biến anh chồng “ga-lăng” ngày nào trở thành ngưởi chồng lèm bèm và khó tính. Hồi mới lấy nhau, vợ chồng chị thỏa thuận: “Phải bình đẳng và công bằng, người nấu cơm thì khỏi rửa bát, đã quét nhà thì khỏi giặt quần áo”. Có vẻ như mọi việc rất ổn khi hai vợ chồng còn son. Đến khi có thai, chị bắt đầu thấy mình “làm nhiều hơn” và hơi cậy thế. Vậy là tất cả việc nhà chị dồn hết cho chồng. Anh chồng nhiều khi đi làm về muốn nghỉ ngơi một chút cũng không có thời gian. Anh lặng lẽ thực hiện công việc của mình thì chị bảo khinh người, mới phục vụ vợ một chút đã “mặt nặng mày nhẹ”.

Thực ra, công việc của anh ở cơ quan đã tiếp xúc với nhiều người, anh chỉ muốn có những giây phút im lặng, đơn giản là để “nghỉ ngơi” và tĩnh tâm một chút. Nhưng chị không hiểu, bắt anh phải “vừa làm vừa hát” để thấy được tinh thần tự nguyện. Vậy là không biết tự lúc nào anh trở thành người đàn ông “miệng nói tay làm” nhưng “tai không lắng nghe”.

Anh thành một người đàn ông hay kể lể, phàn nàn và phán xét mọi thứ. Vừa cất đôi giày vào tủ cho vợ, anh vừa thuyết trình về tính cẩn thận, gọn gàng. Vừa nấu cơm anh vừa “đọc bài” về dinh dưỡng. Rồi anh phàn nàn ông hàng xóm, chẳng làm nên trò trống gì, suốt ngày đi nhậu khiến vợ con lo lắng và “không được nhờ”. Bữa ăn thì anh nói về giá cả leo thang…

Chị vợ bắt đầu thấy khó chịu với cái kiểu “đàn bà” của chồng nhưng chị tự an ủi, dù sao anh ấy cũng không rượu chè. Dù không mấy khi nói lời ngọt ngào, yêu thương nhưng anh là người thương vợ con, “cơm dẻo canh ngọt”. Anh không đi chơi và chỉ ăn cơm nhà nên từ một người hướng ngoại, đã trở thành người quanh quẩn trong nhà. Đôi lúc chị thèm một cảm giác thăng hoa, bay bổng, muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, cơ quan tám tiếng với bàn giấy và bốn bức tường. Về nhà lại bốn bức tường và một ông chồng vừa làm vừa nói. Chị cố gắng để duy trì một cuộc sống tẻ nhạt, nhưng không khỏi nuối tiếc những ngày “chồng lặng lẽ ngắm mình đắm đuối”.



Điều chỉnh nhưng không thế chỗ
Những người phụ nữ muốn chồng mình phải chung tay góp sức nhưng lại để chồng “đóng nhầm vai” sẽ có cảm giác thất vọng vì chồng dần trở nên “chi tiết” quá

Với người phụ nữ, ngôi nhà là nơi để họ “bài binh bố trận”, họ làm việc, họ điều hành. Nhiều người do quá cầu toàn nên muốn mọi thứ đều phải hoàn hảo, nhất là ông chồng của mình. Họ ôm đồm công việc, rồi trở nên rối rắm, dẫn đến bức bối đủ điều. Khi không thể làm hết được những gì mình muốn (cho mình và cho người khác), họ bắt đầu thất vọng và than thân trách phận. Nhiều khi mệt mỏi, bối rối biến họ trở thành người nóng nảy, cáu gắt. Từ đó, họ sinh ra kể công, rồi đổ lỗi cho người khác, nhất là ông chồng “không chịu hiểu, không chịu kề vai sát cánh”.

Khi đã là vợ chồng, hãy chấp nhận sự khác biệt để điều chỉnh chứ đừng nuôi “tham vọng” về sự thế chỗ, bởi khi người đàn ông không xác định, nói đúng hơn là không được xác định vai trò trụ cột của mình trong gia đình thì người thất vọng và “chịu hậu quả nghiêm trọng” nhất chính là người vợ. Ban đầu, những người vợ “lấn sân” thường có cảm giác hân hoan của ngưởi chiến thắng vì mình đã làm được những điều của “phái mạnh”. Nhưng rồi dần dần họ sẽ cảm thấy gánh nặng của người khác trên vai mình và nhận ra đó là một sự bất công.

Khi không nhận được sự ghi nhận của chồng, họ lại thấy chồng mình là người “vô ơn”, bất tài. Không nhìn thấy được tính quyết đoán và mạnh mẽ của người đàn ông ở chồng mình, họ sẽ dần chán nản, thất vọng và coi thường chồng mình. Ngược lại, khi người chồng bị mất vị thế “quyền lực” trong gia đình, ban đầu họ sẽ cố đấu tranh theo “bản năng sinh tồn”, nhưng sau đó là buông xuôi, “vợ muốn khổ cho khổ luôn”. Chồng vẫn là một cái cây nhưng đã không còn tỏa bóng mát che chở cho mái ấm của mình.

Những người phụ nữ muốn chồng mình phải chung tay góp sức nhưng lại để chồng “đóng nhầm vai” sẽ có cảm giác thất vọng vì chồng dần trở nên “chi tiết” quá. Lúc đầu, người vợ cũng cảm thấy mình là người hạnh phúc và hơn hẳn những người phụ nữ khác. Họ thấy được yêu, được chăm sóc và được chồng lo “từ A đến Z”. Nhưng sau khi người đàn ông của họ không còn bao dung, ga-lăng và trở nên “đàn bà” quá, họ lại thấy khó chịu vì sự nhỏ nhen đó. Người đàn ông khi “đóng nhầm vai phụ nữ”, thường đòi hỏi khắt khe hơn với người vợ. Và khi đó, người vợ lại thấy chới với vì không còn biết “em là ai” trong ngôi nhà mình.

Những gia đình “nhầm vai” này đối lập với mẫu gia đình truyền thống và những đứa trẻ lớn lên sẽ gặp khó khăn trong quá trình hình thành nhân cách. Những đứa con trai khi thấy “bố làm mẹ” thường không thích lấy bố làm thần tượng bởi không nhận thấy sự mạnh mẽ, quyết liệt của người bố. Đôi lúc chúng thất vọng vì sự tỉ mỉ và quá chu đáo của bố. Chúng không nhìn thấy được tố chất “đàn ông” của mình trong hình ảnh người bố. Điều đó làm cho chúng mất phương hướng.

Những đứa con gái khi thấy “mẹ làm bố” thì lại thấy làm phụ nữ quá vất vả. Nó không tìm thấy nét nữ tính mà mọi người mong muốn ở nó trong hình ảnh người mẹ. Đôi lúc nó “không muốn làm con gái” bởi không muốn khổ như mẹ. Vì mẹ thường than phiền về bố nên đôi khi chúng trách móc bố, coi bố là người vô dụng, không mang lại hạnh phúc cho mẹ. Không muốn làm phụ nữ vì phải gánh vác gia đình, chúng trở thành những dứa trẻ không muốn làm việc, lười biếng và vô trách nhiệm.

Nhiều người cho rằng, nam nữ phải bình đẳng, người phụ nữ có thể làm được những việc, giữ những vị trí trong xã hội mà trước nay chỉ có đàn ông làm. Và nhiều người nghĩ rằng, trong gia đình, vai trò làm chồng làm vợ là giống nhau, cùng chia và cùng sẻ. Nhưng thực sự, để có một mái ấm, một gia đình hạnh phúc với những đứa con trưởng thành thì quan trọng nhất là mỗi người giữ đúng vai trò mà “thượng đế” đã sắp xếp. Người phụ nữ phải giữ được vai trò chính của mình, là trái tim của tổ ấm.

Người đàn ông làm “cây cổ thụ”, là trí não của gia đình. Cân bằng được “nam tính” của người chồng và “nữ tính” của người vợ sẽ làm nên sự hài hòa của một gia đình lý tưởng. Người ta vẫn bảo “trai tài gái sắc”, khi người vợ giữ được nét nữ tính của mình, chồng giữ được vai trò trụ cột thì người chồng luôn thấy vợ mình đẹp và người vợ luôn tự hào về chồng.

Gôn ai người ấy giữ, sân ai người ấy đá, chỉ hỗ trợ để “bạn chơi” của mình ghi bàn. Đừng hiếu thắng mà quên mất vai trò của mình. 
Giá cân điện tử 60 tấn | Giá cân điện tử 80 tấn | Giá cân điện tử 100 tấn | Giá cân điện tử 120 tấn | Giá cân điện tử 150 tấn | Giá cân điện tử 40 tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét