Mẹ ở một thế hệ khác, rõ ràng suy nghĩ, tâm lý, tình cảm, hiểu biết, sự theo kịp với những cái mới, hiện đại là khác với thế hệ của vợ và ngược lại. Vì vậy khi con người có tâm lý, suy nghĩ, sở thích, tình cảm, sự hiểu biết khác nhau thì quan điểm, cách thể hiện cũng khác nhau, bất đồng quan điểm là chuyện đương nhiên.
Trong cuộc sống của người chồng thì không có chuyện mẹ đẻ và vợ ai quan trọng hơn ai, cả hai đều “rất quan trọng”. Vấn đề là ở chỗ trong từng hoản cảnh, từng vụ việc cụ thể, người chồng phải tìm ra cách ứng xử hợp lý, nên tập trung vào việc xóa đi những bất đồng quan điểm hoặc xóa đi khoảng cách giữa hai người phụ nữ hơn là xem xét giữa mẹ và vợ ai đúng ai sai để quyết định nên theo… phe nào.
Người chồng phải biết khuyên nhủ vợ những lúc đầu gối, tay ấp, nói cho vợ hiểu rằng “lúc có mặt mẹ anh phải bênh mẹ một chút để mẹ vui, mẹ cũng nhiều tuổi rồi, bà không còn sống với vợ chồng mình được nhiều nữa, chiều bà một chút, anh và em sống với nhau cả đời cơ mà”. Người vợ cũng phải hiểu như vậy để nhiều khi “giả vờ thua trận”, nhưng thua trong thế thắng, và ở đây là đại cục, cái hạnh phúc, êm ấm của gia đình là cái đại cục lớn nhất cần giữ. Từ đó, người vợ biết rằng mình luôn trong thế thắng thì mọi chuyện sẽ êm ấm, hạnh phúc.
“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nghĩa là nhường nhịn mẹ chồng một chút không bao giờ xấu cả, điều đó sẽ làm cho mọi người xung quanh như hàng xóm, họ hàng càng khen nàng dâu hết lời là đảm đang, dịu hiền, khéo léo…
Còn đối với mẹ, nhiều khi người chồng cũng phải có trách nhiệm khuyên nhủ mẹ khi chỉ có hai mẹ con, nói thế nào để mẹ thương yêu nàng dâu hơn, thay đổi suy nghĩ mà đối xử tốt với con dâu.
Nhiều bà mẹ cũng có thể hơi lạc hậu, trách nhiệm của người chồng là phải tăng cường cho mẹ tiếp cận những phương tiện truyền thông, cho mẹ gặp gỡ hội phụ nữ, phụ lão để mọi người cùng nói chuyện về cách ứng xử với nàng dâu trong gia đình để mẹ bắt kịp với sự thay đổi, sự hiện đại của cuộc sống.
Cái mấu chốt cuối cùng là thời gian, lâu dài mẹ chồng và nàng dâu sẽ càng hiểu nhau hơn, nếu nàng dâu cứ dịu dàng, cư xử nhẹ nhàng, chăm sóc mẹ chồng tốt thì rồi sẽ có ngày bà hiểu ra và thay đổi suy nghĩ.
Người ta thường nói, người già như trẻ con, câu nói đó không sai, vì vậy nàng dâu cần luôn luôn thấu hiểu để có tâm lý ứng xử. Nói chung, cả hai người đều hiểu rộng, biết nhiều thì không nói làm gì, nhưng nếu một trong hai người có hạn chế thì cần sự lỗ lực nhiều hơn của người còn lại. Cuộc sống phức tạp, nhiều áp lực, mỗi người cần biết sống một cách khoa học, có hiểu biết thì mọi chuyện sẽ phần nào dễ dàng hơn, cần biết cách xả tress để mọi chuyện trong gia đình êm ấm hạnh phúc hơn.