Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

HỌC CÁCH SỐNG LẠC QUAN

"Người lạc quan có lẽ đã thấy một ánh sáng trong bóng tối. Nhưng tại sao người bi quan lại chạy đến thổi tắt nó đi?" (Michel De Pierre).

Cuộc sống không bao giờ có gì là tuyệt đối. Không ai cả đời may mắn và chẳng phải lúc nào bạn cũng là người đau khổ. Vấn đề quan trọng là bạn phải tạo cho mình một nhân sinh quan tích cực để vượt qua sóng gió, biến nỗi buồn thành niềm vui, biến nguy
thành an. Đó chính là sức mạnh của sự lạc quan.

Chỉ cần bạn luôn có tinh thần phấn đấu, luôn nghĩ đến mặt tốt của mọi việc, tích cực trong mọi lối suy nghĩ... bạn đã có thể biến hóa cuộc sống theo ý mình. Helen Keller từng nói: "Hướng về ánh nắng, bạn sẽ không nhìn thấy bóng tối". Nhân sinh quan tích cực chính là ánh nắng ban mai soi rọi trong trong trái tim mỗi người!

Không chỉ tin tưởng ở bản thân, người sống lạc quan còn biết đặt lòng tin vào những người xung quanh và vào chính khả năng cải thiện mọi hoàn cảnh trong tương lai.

1. Lạc quan về chính bản thân mình

Học cách không than thở

Thói quen của con người là hay than thở, kêu ca về những vấn đề của bản thân. Họ lo lắng về những điều không may sẽ xảy ra cho bản thân, băn khoăn về những khả năng của chính mình... Và họ có thể mang vẻ mặt "xám xịt" với thái độ buông xuôi, cảm giác lạnh nhạt hờ hững... Cứ tưởng rằng việc than vãn kêu ca chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực tế nó lại có sức mạnh phi thường.
Nỗi ám ảnh "mình chẳng làm được gì" không chỉ làm cho bản thân kiệt sức và xuống dốc tinh thần vì sự tự ti ở bản thân, mà nó còn khiến bạn đánh mất những cơ hội quý giá cho sự tựKhông chỉ thế, trong giao tiếp, sẽ chẳng ai muốn lắng nghe một người luôn tự ti với những lời than vãn về cuộc đời, về bản thân.
Mỗi khi thất bại trong cuộc sống, sao bạn không nghĩ rằng: Ta rất tuyệt vời vì đã cố gắng hết mình cho việc ấy. Lẽ ra sự việc sẽ còn tồi tệ hơn... Và thay vì than vãn, sao bạn không nỗ lực hết mình để khắc phục những điều chưa tốt đẹp ấy?

Không nản lòng trước sự chê bai

Nếu đã chiến thắng được tính tự kỷ của bản thân, có lẽ bạn cũng khó mà nản lòng trước những lời chê bai. Cuộc sống luôn có tính hai mặt, và cả trong lời chê bai cũng có những điều tích cực để bạn học hỏi, rút kinh nghiệm.
Một khi bạn nhận được lời chê bai (thật lòng), chính là lúc bạn có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, đánh giá lại những khiếm khuyết bản thân. Nếu không có những lời chê bai đúng lúc có lẽ bạn khó có động lực "tự tu", tự xem xét và chấn chỉnh bản thân.
Lời chê bai còn là những khích lệ chân thành, mạnh mẽ giúp bạn vượt qua chính bản thân và vươn lên, hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, cần sáng suốt phân biệt một lời chê bai chân thành, mang tính cầu thị với chiêu "thọc gậy bánh xe" của những kẻ xấu.
2. Lạc quan về thế giới xung quanh

Pascal từng nói: "Người càng thông minh và càng tốt thì càng nhận thấy nhiều cái tốt ở mọi người". Và thật chẳng có gì là sai nếu ta nói rằng người lạc quan là người luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp từ mọi người, từ thế giới xung quanh.

Hãy tôn trọng mọi người phấn đấu.Nếu bạn muốn mình được tôn trọng, hãy tôn trọng mọi người. Tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình. Tôn trọng là điều kiện cần để bạn nhận thấy những điều tốt đẹp từ mọi người xung quanh.

Hãy tha lỗi cho người khác, nhận lỗi về mình

Thông thường thì chúng ta luôn có xu hướng quy những lỗi lầm cho người khác và ít khi nhận lỗi về mình. Thực tế thì nhận lỗi về mình là một cách xử sự thông minh.
Không chỉ thanh thản vì đã trút được những bực tức hờn giận, mà bạn còn nhận được sự tha thứ từ người khác nếu không may mắc lỗi lầm.
Hãy luôn nhớ câu nói nổi tiếng của Ben Franklin: "Những gì bắt đầu trong cơn giận dữ sẽ kết thúc trong sự xấu hổ".

Nhìn vào mặt tích cực trong mỗi người

Con người không ai hoàn hảo, và bạn hãy biết bằng lòng với những gì có được. Nghĩ được như vậy, bạn sẽ thấy cuộc sống thật dễ chịu.
Tuyệt đối tránh so sánh người này với người khác, hoặc mang những khuyết điểm của người khác ra để dè bĩu, chê bai.

Đừng đòi hỏi quá nhiều vào người khác

Cuộc sống cũng như tình yêu, khi cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn. Đừng chờ đợi để được đón nhận mà hãy chủ động "cho" người khác niềm vui, hạnh phúc...
Muốn nhận một nụ cười, cách tốt nhất là hãy ban tặng nụ cười. Muốn được yêu, hãy yêu chân thành trước đã...

3. Tin tưởng vào tương lai và khả năng cải thiện mọi hoàn cảnh

"Đừng bao giờ than vãn trước một việc đã rồi, nhìn thẳng vào vấn đề và tự hỏi mình có thể làm được gì" - đó chính là cách tư duy của người sống tích cực!
Thái độ là tất cả

Bạn đang gặp rắc rối trong cuộc sống? Bạn đang bi quan, đang lo sợ...? Sao không thử tìm một cách nhìn tích cực hơn cho mọi việc?

Muốn cải tạo cuộc sống, cải tạo thực tại, hãy bắt đầu từ thái độ lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Đó chính là sức mạnh để bạn chiến thắng thực tại. Vượt qua những rào cản tâm lý, mọi việc sẽ ổn ngay thôi!
Khi lạc quan bạn sẽ nỗ lực hết mình cho việc thực hiện công việc. Mọi người sẽ nhận ra bạn và công nhận khả năng đích thực của bạn.

Tăng cường giao tiếp

Giao tiếp giúp bạn không còn cảm giác cô đơn - một nguyên nhân dễ dẫn đến thái độ bi quan và tính tự kỷ.

- Hãy mỉm cười nhiều hơn:
Mỉm cười chính là cách giao tiếp tốt nhất. Một nụ cười chân thành, đúng lúc sẽ có sức mạnh hơn ngàn lời nói. Nụ cười vừa giúp bạn thư giãn, vừa làm cuộc sống xung quanh trở nên tươi đẹp hơn.
Nếu không có khiếu hài hước để tạo nụ cười cho mọi người thì hãy luôn biết mỉm cười trước cuộc đời. Cười còn là cách tốt nhất để "đòi hỏi" người khác phải cười lại với mình!
Ông Ban Ki Moon, nhà ngoại giao nổi tiếng với nụ cười luôn thường trực trên môi, ông nói về bí quyết thành công của mình đó là "mỉm cười và mỉm cười". Ông từng nói "người khác thấy nụ cười chỉ là nụ cười và không nhận ra sức mạnh nội tại của nó". Bạn đừng ngần ngại mang theo "vũ khí" là nụ cười để tạo nên sức mạnh chinh phục lòng người.

- Chú ý đến người xung quanh:
Hàng ngày bạn vẫn thường tiếp xúc với bạn bè, đồng nghiệp, người thân... Thay vì giữ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, bạn hãy thử sống nhiệt tình hơn, quan tâm đến họ hơn bằng những cử chỉ đơn giản: cảm ơn khi được giúp đỡ - dù chỉ là việc nhỏ nhặt như đưa hộ một món hàng, xin lỗi khi làm phiền ai đó... Tưởng như đây là việc làm vô ích và khách sáo, nhưng hãy thử xem, bạn sẽ nhận được nhiều bất ngờ hơn bạn nghĩ!

- Hãy làm nóng sự giao tiếp, công việc và tình yêu của bạn:
Đừng bao giờ phải cố gắng tươi cười với ai nếu bạn không muốn hoặc không thể. Giao tiếp trong nguội lạnh chỉ càng làm cho người khác hờ hững với mình hơn.
Hãy chân thành trong giao tiếp, dùng tình cảm để hiểu và cư xử với người xung quanh, đặc biệt là những người thân yêu. Đừng hờ hững trước những vấn đề của người khác.
Hành động tích cực xây dựng cuộc sống

- Tạo sự bận rộn:
Cuộc sống bận rộn sẽ không làm bạn cảm thấy nhàm chán. Nếu con người có quá nhiều thời gian rảnh rỗi sẽ hay nảy sinh ra các vấn đề không hay, như người xưa vẫn nói "nhàn cư vi bất thiện".
Vì vậy, hãy lên kế hoạch và sử dụng quỹ thời gian của bạn, đừng quá bận rộn đến mức không có thời gian nghỉ ngơi nhưng cũng đừng để cho mình sống mà không biết ngày hôm nay mình sẽ làm gì.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống quá nhàm chán, ngoài giờ hành chính bạn không có việc gì để làm, chỗ nào để đi... thì hãy bỏ thời gian để làm sống lại sở thích riêng của mình. Cuộc sống đối với bạn sẽ trở nên thật sự ý nghĩa.
- Lên danh sách những việc phải làm:
Lên danh sách công việc cần thực hiện chính là cách hữu hiệu để bạn kiểm soát công việc và khả năng hoàn thành công việc của mình. Ngoài một danh sách chung, bạn cần có danh sách cụ thể cho từng ngày. Có như vậy, bạn sẽ nhận ra sự tiến triển của những kế hoạch, và khả năng cải thiện cuộc sống, xây dựng tương lai của chính bạn. Khi đã hoàn thành mọi công việc trong kế hoạch, bạn sẽ không phải ám ảnh vì nó nữa.

Cảm nhận những điều nhỏ bé xảy ra với bạn
Những điều nhỏ bé đó có sức mạnh hơn cả lời nói. Một ánh mắt khích lệ của đồng nghiệp, một nụ cười tươi của bạn bè... sẽ khiến bạn thấy mình thật có giá trị trong mắt mọi người, và cuộc sống này ý nghĩa biết bao!

4. Lạc quan thái quá dễ trở thành dại dột
Lạc quan là một thái độ sống tích cực cần có ở mỗi người, nhưng nên tránh cách sống "lạc quan chủ nghĩa": dùng phép thắng lợi tinh thần để ngụy biện cho những điều xấu xa đang diễn ra trong thực tế. Với cách sống như vậy, bạn sẽ rơi vào u mê, chủ quan, thiếu thực tế. Đây là một thái độ sống sai lầm cần tránh để không trở nên thụ động, trì trệ.
Xin kết thúc chuyên đề bằng câu nói nổi tiếng của Dutour: "Lạc quan thật sự không phải tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp, mà tin rằng không phải mọi việc sẽ tồi tệ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét