Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Đã đến lúc cần phải "nhảy" việc?

Nhiều người sợ thay đổi, nên họ cứ gắn liền đời mình vào những thứ chẳng còn phù hợp và hứng thú. Công việc là một ví dụ điển hình. Không hiếm người dành cả cuộc đời để làm việc họ không thích nhưng đảm bảo cho cuộc sống. Điều đó không hề sai, nhưng nếu dám thay đổi, biết đâu họ đã sống hạnh phúc hơn.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc phải thay đổi công việc của mình dù nó vẫn có vẻ ổn và đủ nuôi sống bạn? Nếu bạn làm việc không chỉ vì tiền mà còn vì một lý tưởng sống hay vì niềm yêu thích với công việc, hãy cân nhắc những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên thay đổi công việc của mình.

1- Bạn đi ngủ và thức dậy trong uể oải cùng cực


Căng thẳng trong công việc là chuyện bình thường của những người đi làm, và nhiều người thậm chí còn mang luôn công việc và cả tâm trạng mệt mỏi bực dọc ở công ty về nhà. Nhưng nếu đầu óc bạn vẫn căng như dây đàn và mất ngủ mỗi tối, đó là lúc bạn phải xem xét lại công việc và vai trò của mình. Dấu hiệu rất rõ ràng cho tình trạng chán việc là bạn cảm thấy thời gian từ trưa đến cuối ngày chủ nhật là kinh khủng nhất trong tuần vì sắp phải đi làm lại vào thứ hai. Thực sự mà nói thì bạn đang phải gồng mình để chịu đựng công việc quá sức này, đến mức chẳng còn niềm vui nào trong công việc có thể cứu vãn được sự mệt mỏi chán ngán của nó. Vậy bạn định tiếp tục tình trạng này bao lâu đây?

2- Bạn chỉ làm việc vì tiền
Tiền bạc quá quan trọng và thiếu tiền là một vấn đề nan giải và căng thẳng. Tất nhiên, ai đi làm thì cũng vì tiền cả thôi, nhưng nó chỉ là một phần quan trọng chứ không phải là tất cả. Phần lớn mọi người muốn có một công việc vừa làm ra tiền, có những mối quan hệ đồng nghiệp tốt và nâng cao khả năng của mình. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng về điều gì cả trong công việc hàng ngày ngoài lương thưởng thì hãy bắt đầu cân nhắc đến chuyện nhảy việc. Dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng luôn có một cơ hội công việc và kiếm tiền khác đang chờ bạn nếu bạn dám nghĩ dám làm. Nếu bạn vẫn còn tim thấy niềm vui trong việc bạn làm, hãy theo đuổi và khơi dậy chúng để nhân thêm niềm vui và cảm hứng của bạn.

3- Cảm thấy email nào cũng có vẻ mỉa mai và hạ nhục mình
Nếu lúc nào đọc email bạn cũng cảm thấy chột dạ, tổn thương hay giận dữ, chắc chắn có điều gì không ổn trong công việc này của bạn rồi. Bạn lạc lõng hay mất phương hướng trong văn hoá giao tiếp của công ty? Hay bạn nghi ngờ thiện chí của mọi người quanh mình? Email là một thước đo tốt cho thái độ của bạn với công việc. Vì email không đính kèm thái độ, ngữ điệu hay giọng nói, nên cách bạn cảm thấy khi đọc email cho thấy cảm xúc và thái độ của bạn là tích cực hay tiêu cực. Bạn hoàn toàn có thể đọc email của một người thực sự tử tế và chẳng có ác ý gì với bạn thành thái độ mỉa mai và hằn học vì đó là cách bạn phản ứng với tình trạng hiện tại của bạn. Hãy cố gắng đọc email với thái độ tích cực và xem liệu việc giao tiếp trong công ty của bạn có được cải thiện hay không. Nếu thử rồi mà chẳng thấy khá hơn hay bạn không thể nghĩ khác được, chắc bạn phải tìm một môi trường khác với những người mà bạn có thể làm cùng hoặc thích hơn.


4- Cảm thấy khó lòng mà nói điều tốt đẹp được
Phần lớn mọi người không ý thức được việc họ dành những lời khó nghe hoặc ngữ điệu tiêu cực cho đồng nghiệp của mình thường xuyên như thế nào. Và chẳng ai lại muốn bị xúc phạm cả, thế là từ thái độ phòng thủ và phản kháng, môi trường công sở phát triển một thứ văn hoá cư xử tiêu cực ngầm không dễ nhận ra vì mọi người từ sếp đến nhân viên đều quá quen thuộc với nó. Hãy thử đánh giá lại cách cư xử tiêu cực của mình xem sao: Ghi ra giấy hoặc điện thoại mỗi khi bạn thấy mình nói điều không hay hoặc có thái độ tiêu cực khi nói chuyện với đồng nghiệp. Nếu bạn bắt đầu thấy phát hoảng vì cứ phải ghi chú liên tục thì đã đến lúc phải điều chỉnh rồi. Nhưng nếu bạn đã cố tích cực hơn nhưng không thể, vì môi trường làm việc của bạn vốn đã thế, thực sự bạn không thể làm khác đi, hay cả những người đồng nghiệp mà bạn nghĩ là mình thích nhất ở công ty vẫn khiến bạn thấy khó chịu và thất vọng nên quá khó để nói chuyện tử tế tốt đẹp thì có lẽ bạn nên tìm việc mới để có thể sống tích cực hơn thôi.

5- Bạn không thấy ánh sáng cuối đường hầm
Bạn thấy gì khi nghĩ đến tương lai với công việc này? Bạn có thấy viễn cảnh xán lạn về lương thưởng hoành tráng, những chuyến du lịch sang trọng, cơ hội thăng tiến hay khoản lương hưu hậu hĩnh đảm bảo cho tuổi già không phải lo nghĩ? Nếu bạn chỉ thấy một con đường thẳng chạy dài, có thể không có khúc quanh nhưng cũng chỉ bình bình không hồi kết với những chế độ như cũ, lối làm việc như cũ, và mọi người cũng chẳng hề muốn thay đổi để tốt hơn, bạn nên tự tìm đường thoát cho mình nếu không muốn cứ lờ lững trôi đi như thế suốt đời.

Bạn đã từng quyết định thay đổi công việc vì lý do gì? Và bạn được gì với quyết định nhảy việc của mình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét