Khi vợ chồng giận nhau, thậm chí căng thẳng đến độ đòi chia tay, điều đầu tiên người trong cuộc nên nghĩ đến là “người đó (chồng/vợ) có những ưu điểm gì”, sau đó hãy nghĩ đến những hạn chế, khuyết điểm.
Không ai sinh ra để làm vừa lòng người khác, kể cả vợ chồng; chỉ có sự tôn trọng, dung hòa, thông cảm, nhường nhịn lẫn nhau mới có thể chung sống với nhau được. Có nhìn về những điều tốt đẹp như thế thì mới không cảm thấy nặng nề và có thể sống với nhau hạnh phúc.
“Có ưu điểm lớn nhất là được rồi!”
Anh bạn tôi thường than thở với bạn bè rằng mình đã “cưới nhầm” một cô vợ hung dữ; cưới nhau không bao lâu, cô “hiện nguyên hình” là người thô lỗ, cộc tính. Có lần anh nói: “Nghe vợ chồng người ta âu yếm nhau mà phát ham. Vợ tôi nói thì lớn tiếng, giọng lại chẳng ngọt ngào, có khi còn văng tục… Lúc vợ chồng cãi nhau, nếu không kiềm chế thì đánh nhau thật. Con cái thì lúc cổ nổi xung thiên, cũng đánh không thương tiếc…”. Anh bảo, vợ như vậy nên chẳng dám đưa đi cùng với cơ quan hay bạn bè, bởi không “thắng lại kịp” thì ê mặt lắm! Rồi anh đòi chia tay. Tôi hỏi anh về các tính tốt của vợ, anh suy nghĩ một hồi rồi lại lắc đầu…
Ít lâu sau, thấy anh vui vẻ mới hỏi về chuyện vợ con. Anh bảo: “Nói chung cũng có cải thiện, nhất là sau khi vợ chồng có nhiều cuộc trao đổi với nhau. Hôm trước anh hỏi tôi về tính tốt của vợ, sau này tôi nghĩ mãi thì nhận ra, đó là hết lòng lo cho chồng con, tuy cách lo, cách biểu lộ tình cảm tưởng như chẳng thương yêu gì hết…”. Anh cho biết, vợ anh chi tiêu cho bản thân thì dè xẻn nhưng không tiếc tiền mua sắm cho chồng con, biết chiều chuộng cha mẹ chồng nên rất có uy tín với gia đình chồng. Anh trầm ngâm: “Tôi xem đó là ưu điểm lớn nhất. Mấy chuyện khác có thể từ từ trao đổi, điều chỉnh, có ưu điểm đó là được rồi!”.
Bù trừ
Cô bạn tôi một dạo mặt mày ủ dột, cứ đinh ninh chồng mình đang ngoại tình. Chồng cô đẹp trai, lịch lãm, ăn nói khéo, nhiều người khen là mẫu đàn ông hấp dẫn. Anh làm công chức, ngoài thời gian làm việc thường ở nhà suốt, ít nhậu nhẹt, cũng chẳng cà phê, thuốc lá. Nhưng cô thì “chắc như bắp”: “Đàn ông mà, trong “tứ đổ tường” làm gì không có một món!”. Thế rồi cô cho rằng, tuy chồng ở nhà suốt nhưng buổi trưa ai biết được anh ta đi đâu, hay lúc đi công tác thì làm sao biết được là có “tranh thủ” không, lúc lên mạng thì biết đâu lại hẹn hò tình tứ… Ôi thôi, cái tâm lý của người vợ luôn cho rằng chồng ngoại tình thì không làm sao giải thích được!
Bẵng đi một thời gian, gặp lại thì cô ấy có vẻ hớn hở. Tôi hỏi: “Chồng em hết bồ bịch rồi hả?”. Cô cười đáp: “Em không biết, anh ấy cũng như hồi nào giờ thôi, nhưng em nghĩ thoáng hơn rồi! Người ta bồ bịch thì hay bỏ bê gia đình, ảnh xem gia đình là nhất thì chắc không rồi...”. Rồi cô kể chuyện chồng lo lắng, chăm lo gia đình thế nào, khác hẳn với thái độ trước đó. Nhân tiện, cô kể chuyện mấy người quen trong cơ quan có chồng tuy không trai gái gì nhưng chẳng ngó ngàng đến gia đình, mỗi tháng đưa ít tiền coi như là tròn bổn phận… Cô bạn kết luận: “Cứ cho là chồng em mèo mỡ đi, nhưng ảnh chu đáo, có trách nhiệm với gia đình, coi như là bù trừ…”.
Cứ nhìn xấu thì sao tốt được!
Không ít đàn ông hay nói vợ xấu thế này thế nọ; ngược lại cũng lắm phụ nữ gặp nhau là hay chê chồng. Chê nhưng vẫn ở với nhau, như thế có phải là chịu đựng?
Trừ những trường hợp không thể dung hòa thì nên dứt khoát để giải thoát cho cả hai, còn phần lớn trường hợp thì vẫn có thể dung hòa được, mỗi bên nhường một tí, nhìn nhiều về điểm tích cực của bên kia hơn, sẽ thấy cuộc sống vợ chồng không phải là sự chịu đựng nhau, không phải là “sống chung” một cách nặng nề. Ví như người chồng có thể tự đánh giá về những điểm quan trọng của vợ mình: có biết cách chăm lo cho gia đình không, biết cách chăm sóc và dạy con không, có tiêu tiền đúng cách không, có quan tâm đến gia đình và họ hàng bên chồng không, có khéo ứng xử giúp chồng mở mày mở mặt không…
Vợ thì có thể đánh giá về những điểm quan trọng của chồng: có thực sự yêu thương và tôn trọng vợ không, có quan tâm, chăm lo cho gia đình không, có chú ý dạy dỗ con cái không, có thực sự làm trụ cột về tinh thần và kinh tế của gia đình không, có quan tâm đến gia đình và họ hàng bên vợ không…
Vợ thì có thể đánh giá về những điểm quan trọng của chồng: có thực sự yêu thương và tôn trọng vợ không, có quan tâm, chăm lo cho gia đình không, có chú ý dạy dỗ con cái không, có thực sự làm trụ cột về tinh thần và kinh tế của gia đình không, có quan tâm đến gia đình và họ hàng bên vợ không…
Những điều tốt nêu trên có thể xem là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người chồng, người vợ. Việc thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ cũng nên xem là một ưu điểm, đừng nên xem đó là điều đương nhiên phải có, rồi không xem trọng sự cố gắng của chồng hoặc vợ. Bớt nhìn nhận những điều không tốt, nghĩ nhiều hơn đến những điều tốt thì có thể giúp gia đình thuận hòa và hạnh phúc hơn.